Phân bố toàn cầu Đầm_lầy

Hình ảnh vệ tinh của một đầm lầy than bùn đang cháy ở Borneo. Chỉ riêng năm 1997 khoảng 73.000 ha đầm lầy đã bị đốt cháy ở Borneo, giải phóng lượng cacbon tương đương 13-40% phát thải cacbon toàn cầu trung bình hàng năm từ nhiên liệu hóa thạch. Phần lớn lượng cacbon này được giải phóng từ than bùn chứ không phải từ các rừng mưa nhiệt đới nằm trên nó.Đầm lầy Viru ở Vườn quốc gia Lahemaa, Estonia. 65% đầm lầy tại Estonia chịu ảnh hưởng hoặc tổn thất nặng nề do hoạt động của con người trong những năm gần đây.[9]Khai thác than bùn từ một đầm lầy toan che phủ cổ tại South Uist, Scotland. Đầm lầy toan cổ này không còn hình thành than bùn nữa do thảm thực vật đã thay đổi và vì thế nó không còn được coi là đầm lầy nữa.

Đầm lầy được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng có lẽ ở quy mô lớn nhất là ở các vĩ độ cao tại Bắc bán cầu. Ước tính đất đai che phủ bởi các đầm lầy trên khắp thế giới gặp nhiều khó khăn do các khác biệt về phương pháp và độ chính xác trong đo đạc và lập bản đồ đất đai của nhiều quốc gia.[6] Tuy nhiên, đầm lầy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào mà các điều kiện là phù hợp cho hình thành và tích lũy than bùn: chủ yếu là khi vật chất hữu cơ tự nhiên bị ngập đọng nước thường xuyên. Vì thế, sự phân bố của đầm lầy phụ thuộc vào địa hình, khí hậu, vật liệu mẹ, khu sinh vật và thời gian.[10] Các kiểu đầm lầy như đầm lầy toan, đầm lầy kiềm, đầm lầy cỏ và đầm lầy cây thân gỗ cũng phụ thuộc vào các yếu tố này.

Các tích tụ lớn nhất của đầm lầy, chiếm khoảng 64% đất than bùn toàn cầu, được tìm thấy trong khu vực ôn đới, hàn đới và cận bắc cực ở Bắc bán cầu.[11] Trong khu vực vùng cực thì các đầm lầy thường nông, do tốc độ tích tụ vật chất hữu cơ chết là khá chậm và thường chứa băng giá vĩnh cửu. Một dải rất lớn của Canada, Bắc Âu và miền bắc Nga được các đầm lầy hàn đới che phủ. Trong khu vực ôn đới thì đầm lầy nói chung phân bố rải rác hơn do tiêu thoát nước lịch sử và khai thác than bùn, nhưng có thể cũng che phủ các khu vực rộng lớn. Một ví dụ là đầm lầy toan che phủ nơi lượng giáng thủy rất cao (như trong vùng nội lục có khí hậu hải dương gần bờ biển tại đông bắc và nam Thái Bình Dương, tây bắc và đông bắc Đại Tây Dương).

Tại khu vực cận nhiệt đới thì đầm lầy là hiếm thấy và chỉ hạn chế trong các khu vực ẩm ướt nhất.

Tại khu vực nhiệt đới thì đầm lầy lại là rộng khắp, thông thường là nằm dưới các rừng mưa nhiệt đới (chẳng hạn tại Kalimantan), mặc dù sự hình thành than bùn nhiệt đới cũng diễn ra trong các rừng ngập mặn ven biển cũng như trong các khu vực nằm ở cao độ lớn.[7] Các đầm lầy nhiệt đới chủ yếu hình thành khi lượng giáng thủy cao kết hợp với điều kiện tiêu thoát nước kém.[6] Các đầm lầy nhiệt đới chiếm khoảng 11% diện tích đất than bùn toàn cầu, trong đó trên một nửa nằm ở Đông Nam Á, và phần lớn được tìm thấy ở các cao độ nhỏ, mặc dù chúng cũng được tìm thấy trong các khu vực miền núi, chẳng hạn như tại Nam Mỹ, châu Phi và Papua New Guinea.[11] Gần đây, đầm lầy nhiệt đới lớn nhất thế giới đã được tìm thấy tại miền trung bồn địa Congo, che phủ diện tích 145.500 km2 (56.200 dặm vuông Anh) và có thể chứa tới 30 tỷ tấn cacbon.[12]

Các đầm lầy đang suy giảm toàn cầu do tiêu thoát nước phục vụ nông nghiệp và lâm nghiệp cũng như do khai thác than bùn. Chẳng hạn, trên 50% diện tích đầm lầy nguyên thủy ở châu Âu, tức là trên 300.000 km2, đã biến mất.[13] Các mất mát lớn diễn ra tại Nga, Phần Lan, Hà Lan, Vương quốc Anh, Ba Lan và Belarus.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đầm_lầy http://www.nrc.ca/cgi-bin/cisti/journals/rp/rp2_ab... http://www.nrcresearchpress.com/doi/10.1139/a11-01... http://np-net.pbworks.com/f/Hooijer,+Silvius+et+al... http://link.springer.com/10.1007/s11367-017-1367-y http://doi.wiley.com/10.1111/j.1529-8817.2003.0078... http://www.personal.ceu.hu/students/03/nature_cons... http://www.biogeosciences.net/7/1505/2010/ http://www.annualreviews.org/doi/10.1146/annurev-e... //dx.doi.org/10.1007%2F978-94-007-6173-5_147-1 //dx.doi.org/10.1007%2Fbf02664953